TÁC PHẨM NGUYỄN THÔNG
CAO TỰ THANH- ĐOÀN LÊ GIANG Trích dịch và biên soạn (326 trang)
SỞ VHTT LONG AN XUẤT BẢN
LỜI NÓI ĐẦU
Nguyễn Thông là một nhà tri thức yêu nước tài năng của nhân dân ta nửa sau thế kỷ XIX, một nhà hoạt động chính trị - xã hội tiến bộ, một người nghiên cứu lịch sử có tài, một tác giả có những đóng góp cho văn học viết Việt Nam thế kỷ XIX. Tìm hiểu Nguyễn Thông qua tác phẩm là để tìm hiểu tư tưởng và tình cảm của ông, một trong những khuôn mặt tiêu biểu cho một thời kỳ lịch sử đồng thời cũng là để tìm hiểu lịch sử thông qua nhân vật mà cuộc đời chính trị có liên quan đáng kể tới nhiều sự kiện lịch sử đương thời, đặc biệt là trên địa bàn từ Huế vào Nam.
Trong quyển sách này, các bài thơ Nguyễn Thông được xếp theo đúng thứ tự trong Ngọa du sào tập (thi tập) và Kỳ Xuyên thi sao, nghĩa là theo thứ tự thời gian sáng tác. Riêng các bài văn, chúng tôi theo sự sắp xếp không theo thứ tự thời gian, tuy nhiên chúng tôi vẫn tạm thời chưa thay đổi thứ tự này trước khi tự thấy đã nắm vững được hệ thống tiêu chuẩn mà chính Nguyễn Thông đã đưa ra đồng thời dựa vào để sắp xếp các tác phẩm của ông. Đối vác bài văn trong Độn Am văn tập, vì chỉ có bản phiên âm Hán Việt chứ chưa tìm được bản chữ Hán, nên chúng tôi sắp xếp theo thứ tự trong thơ văn Nguyễn Thông, nghĩa là thứ tự trong Kỳ Xuyên văn sao.
Trong quyển sách, để tránh sự dài dòng không cần thiết chúng tôi có dùng một số chữ viết tắt dùng trong phần khảo đính văn bản, như bản NDS (Bản Ngọa du sào chữ Hán…thi tập và văn tập) (xem phần Giới thiệu văn bản tác phẩm Nguyễn Thông). Cũng nhằm mục đích trên, chúng tôi còn viết tắt tên một số tài liệu đã dùng để tham khảo tra cứu như Châu bản (chỉ Châu bản triều Tự Đức), Liệt truyện ( Chỉ Đại Nam Thực lục chính biên), Nhất thống chí (chỉ Đại Nam Nhất thống chí), Hương khoa lục (chỉ Quốc triều hương hoa lục).
Nhân dịp này, nhóm biên soạn chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan văn hóa tại Thành phố HCM. Kho lưu trữ Trung ương II, sự đóng góp những ý kiến quý báu về nguồn tư liệu và cách phiên dịch của giáo sư Phạm Thiều và dịch giả lão thành Đẩu Nam; sự khuyến khích, cổ vũ của một số bạn bè và đồng chí. Đặc biệt chúng tôi xin có lời cám ơn các gia đình hậu duệ của Nguyễn Thông, đặc biệt là gia đình cháu nội tác giả, đã cung cấp và giúp đỡ chúng tôi kiểm chứng nhiều tài liệu có giá trị một cách vô tư và hào hiệp khiến chúng tôi có thêm nhiều niềm tin và quyết tâm đã hoàn thành tập sách này.
Kính mong bạn đọc chỉ giáo cho những sai sót mà chắc chắn là tập sách này chưa thể tránh khỏi, để trong tương lai, chúng ta nhanh chóng có được một tập sách biên dịch hoàn hảo về tác phẩm của Nguyễn Thông nhằm đặt cơ sở cho những công trình nghiên cứu đạt chất lượng cao hơn nữa về một tác gia đồng thời là một trí thức Việt Nam chân chính; một con người mà cuộc đời mặc dù gặp nhiều trái ngang cay đắng vẫn giữ trọn một lòng yêu nước thương dân.
Tháng 6- 1984
NHÓM BIÊN SOẠN
MỤC LỤC
Lời nói đầu
· Phần thứ nhất: Giới thiệu Nguyễn Thông và văn bản tác phẩm Nguyễn Thông
· Phần thứ hai: Tác phẩm Nguyễn Thông
NGỌA DU SÀO TẬP ( THI TẬP)
· lời đề đầu Ngọa du sào tập (thi tập
NGỌA DU SÀO VĂN TẬP
* Lời tựa Ngọa du sào văn tập
Đại Long tướng Tổng Đốc Trương Văn Uyển trần tinh sở
KỲ XUYÊN THI SAO
· Kỳ Xuyên thi sao tự tự
ĐỘN AM VĂN TẬP
· Phần thứ ba: Phụ lục
A. MỘT VÀI TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN THÔNG
1. Bia mộ Nguyễn Hanh
2. Gia ước
B. MỘT SỐ TÀI LIỆU THAM KHẢO
3. Kỳ Xuyên lão nhân di chúc
4. Vài đoạn tiểu sử của Nguyễn Thông qua Đại Nam Thực lục
5. Sắc phong Trịnh A Mầu
6. Lược đồ phổ hệ Nguyễn Thông
7. Niên biểu Nguyễn Thông
· Sách báo và tài liệu tham khảo chủ yếu
· Mục lục