KINH TAM BẢO
KINH XƯNG TỤNG TAM BẢO
Cố Ni Trưởng HUỲNH LIÊN biên soạn
Ni giới Hệ phái Khất Sĩ
LỜI NÓI ĐẦU
TỤNG là đọc tụng, đọc kinh có cách điệu riêng của giáo pháp Khất sĩ; NIỆM là suy nghĩ, nhớ tưởng trong khi tụng kinh và hành đạo. Tụng niệm là miệng đọc, tâm tưởng nhớ, suy nghĩ. Miệng và Tâm đều phải tịnh thanh, chuyên chú, hòa hiệp trong câu Kệ, lời Kinh, tiếng Pháp.
Tụng niệm có nhiều ý nghĩa và có hiệu lực, thiết nghĩ chúng ta cũng nên hiểu chân xác các ý nghĩa này, để việc tụng niệm của chúng ta được kết quả tốt.
1. Tụng niệm để giữ cho tâm mình được thuần tịnh, giao cảm được với các Đấng Tối cao, các bậc Thánh Hiền và chư Phật.
2. Tụng niệm để ôn lại ngọc ngữ kim ngôn của Phật, y lời Phật dạy làm phương châm trong cuộc sống hằng ngày, gieo giống Bồ đề vào tâm thức.
3. Tụng niệm để Cầu An, ngăn lòng tội lỗi, ngừa ác pháp sanh, tránh phần tai họa, dứt nghiệp tiền khiên.
4. Tụng niệm để thúc liễm thân, khẩu, ý mình, không buông lung vọng niệm, vừa được thanh tịnh, trang nghiêm, xứng đáng là Phật tử gương mẫu thuần hành, vừa để khích lệ, nhắc nhở người tu học.
5. Tụng niệm để Cầu Siêu, chuyển tâm người quá vãng, khiến họ xa lìa nghiệp xấu, rời cảnh giới sa đọa tối tăm, được siêu sanh Cực Lạc.
6. Tụng niệm còn có diệu dụng làm cho pháp âm lưu chuyển trong nhân gian, cảm hóa mọi người quy chánh, cải tà, chuyển mê, giải nghiệp.
7. Tụng niệm để hướng từ tâm, trương bi nguyện đến tất cả chúng sanh, cầu cho vạn loài âm siêu dương thới.
8. Tụng niệm để sám hối tội mình và người trước ngôi Tam Bảo, nơi thuần tịnh, không cấu nhiễm.
9. Tụng niệm lại còn là dịp để mình nhiếp tâm, thấu suốt tận tường chân thật nghĩa của chư Phật. Có như vậy, mình mới thêm được cơ duyên làm lợi ích thiết thực cho chúng sanh.
Vì những ý nghĩa trên, chúng ta nên tụng niệm đúng cách: giữ thân, khẩu, ý trang nghiêm; nhiếp tâm lực mình trong lời Kinh, câu Kệ; tụng chậm rãi đều đều, tránh ồn ào phức tạp; lìa các duyên làm kích động tâm mình đắm lợi, mê danh, nhiễm trần, sanh ác pháp.
Chỉ tụng niệm trước ngôi Tam Bảo, trong Tịnh xá, đạo tràng hoặc tại tư gia thanh tịnh, trang nghiêm, thích hợp. Không tụng niệm trước chỗ thờ cúng quỷ thần, cúng ăn mặn, đốt vàng mã theo tục lệ mê tín dị đoan, tà kiến, đã không thích hợp với Chánh Pháp của Đức Từ Tôn, lại còn mất công, vô bổ.
Tụng niệm hằng ngày thì cứ khởi ngay mỗi tựa kinh mà tụng: tối Di Đà, khuya Phổ Môn, đêm 14 và 29 Hồng Danh Bửu Sám. Trong tháng Bảy tụng Vu Lan hoặc Kinh Báo Hiếu.
Khi Cầu Siêu, phải thêm phần Nghi thức Cầu Siêu trước kinh Di Đà; hoặc tóm tắt, chỉ tụng Nghi thức Cầu Siêu và một trong hai bài Cầu Siêu.
Khi Cầu An, phải thêm phần Nghi thức Cầu An trước khi tụng kinh Phổ Môn; hoặc tóm tắt chỉ tụng Nghi thức Cầu An.
Khi tụng đứt đoạn, thấy chữ O, chúng ta đánh một tiếng chuông, lạy một lạy niệm thầm:
NAMMÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Chú Đại Bi
KINH TAM BẢO
Nghi Thức Cầu Siêu
Kinh A Di Đà
Bát Nhã Tâm Kinh
Cầu Siêu (Cuộc nhân thế)
Cầu Siêu (Hồng trần)
Hồng Danh Bửu Sám
Kinh Vu Lan Bồn
Cảm niệm Vu Lan
Nghi thức Cầu An
Kinh Phổ Môn
Kinh Báo Hiếu
KINH XƯNG TỤNG TAM BẢO
Tác Bạch Cầu An
Tác Bạch Cầu Siêu
Nghi Thức Cúng Dường
Nghi Thức Thọ Trì
Nghi Thức Sám Hối
Nghi Thức Cúng Dường Thọ Trai
Nghi Thức Dâng Y Dâng Tinh Xá
Dâng y
Dâng Tinh Xá
PHỤ LỤC KỆ NGÔN