DỊCH TỪ HÁN SANG VIỆT
MỘT KHOA HỌC - MỘT NGHỆ THUẬT
VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM
NXB KHOA HỌC XÃ HỘI – HÀ NỘI
LỜI NÓI ĐẦU
Ở bất cứ nước nào, thời đại nào chúng ta cũng nhận thấy – như một quy luật chung – song song với sự hình thành và phát triển nền văn hóa văn học dân tộc là sự phát triển về dịch thuật. Các công trình dịch thuật buổi đầu ấy, dầu chất lượng chưa tốt, số lượng chưa nhiều, nhưng là một đóng góp quan trọng của “nhịp cầu hữu nghị”, làm cho dân tộc mình giao tiếp được với nền văn hóa thế giới, làm cho tác giả có thêm nhiều tác giả, làm cho thời đại này hiểu về thời đại trước sâu hơn…Và những công trình dịch ấy thường được tiếp nhận ngang bằng với các tác phẩm sáng tác.
Việc dịch từ Hán sang Việt ở nước ta cũng có một lịch sử lâu đời, có những thời kỳ nở rộ, đạt tới mức “hoàng kim”, và để lại nhiều dịch phẩm mẫu mực tuyệt vời…Trong quá trình lịch sử dịch từ Hán sang Việt ấy, cha ông chúng ta cũng đã bàn cãi, đã đưa ra những tiêu chuẩn, nhưng phương pháp và kinh nghiệm thành bại…tạm qui ước với nhau như một “khuôn vàng thước ngọc”, chỉ đạo công việc dịch thuật. Ngày nay giới nghiên cứu sáng tác và giàng dạy cũng rất quan tâm đến hoạt động dịch từ Hán sang Việt, nhưng trước đây chưa có dịp đúc kết kinh nghiệm, nâng lên thành lý luận, soi sáng cũng như thử nghiệm những lý thuyết về dịch thuật của nhiều nước tiên tiến trên thế giới…Đó là do một lẽ đơn giản là đất nước luôn bị đe dọa xâm lăng hết từ phương Tây lại tới phương Bắc, vừa ra khỏi cuộc chiến tranh này, lại phải bước vào cuộc chiến tranh khác khốc liệt hơn, qui mô hơn… Sự mất còn của dân tộc buộc chúng ta phải cầm súng và đành gác lại biết bao nhiêu chuyện khác…nhưng không phải là không tiếp tục có những suy tư.
Mười hai năm qua, kể từ khi có Ban Hán Nôm (nay là Viện Nghiên cứu Hán Nôm) chúng ta đã liên tục nhận được của đông đảo nhà nghiên cứu, giảng dạy, sáng tác dịch thuật trên khắp miền của đất nước, những đề nghị cần thống nhất với nhau một số quan niệm, tiêu chuẩn, phương pháp trong việc dịch, cũng như trong việc đánh giá bản dịch từ Hán sang Việt. Năm 1961, trên Tạp chí văn học (Viện Văn Học), vấn đề cũng đã được xới lên trong những phạm vi nhất định, những vấn đề dịch tác phẩm văn học. Nhiều ý kiến đã có thể thống nhất được trong cuộc tranh luận đó, còn một số vấn đề tồn tại chưa thể kết luận ngay được, vì cần phải kiểm nghiệm lại trong thực tiễn. Nay đã đến lúc có thể “cắm mốc” cho chặng đường đã qua , đồng thời làm đà vươn lên trên chặng đường lịch sử mới của dịch từ Hán sang Việt. Đáp ứng đòi hỏi chính đáng nói trên, chúng tôi cho ra mắt bạn đọc nhiều sách mỏng, nhan đề là “ Dịch từ Hán sang Việt – một khoa học, một nghệ thuật”, đây là một tập chuyên luận nhỏ, gồm nhiều bài viết, đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của việc dịch từ Hán sang Việt, do nhiều tác giả, từ nhiều nơi gởi tới.
Và cũng do yêu cầu của tập sách, chúng tôi đã lược bỏ những đoạn mà ý tứ trùng lặp, có khi trong cùng một tác giả, có khi ở một số tác giả khác. Lược bỏ bớt những dẫn chứng rườm rà; những đoạn đặt vấn đề hay kết luận vấn đề chưa cô đọng…và có đổi thay chút ít về tên bài. Trong khi làm vậy , chúng tôi vẩn chú trọng đến kết cấu và hệ thống của bài viết, sao cho không ảnh hưởng đến nội dung và mạch văn của tác giả. Đồng thời đã trực tiếp hoặc gián tiếp trao đổi cùng tác giả, song cũng có hiều tác giả ở xa hoặc chưa có điều kiện trao đổi, mong các tác giả thông cảm. Ngoài ra, còn có một số bài đóng góp nhất định nhưng đáng tiếc không nằm trong chủ đề của cuốn sách nên chúng tôi còn để lại.
Hiện tại và tương lai, ngành dịch này vẫn còn có một vị trí, một vai trò lớn lao trong việc chuyên chở những di sản văn hóa và tinh thần của cha ông với các thế hệ mai sau, góp phần đóng góp những tinh hoa truyền thống vào công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, rồi đây Viện Nghiên Cứu Hán Nôm dự định sẽ định kỳ tổ chức trao đổi về lý luận kinh nghiệm nghề nghiệp của mình.Và việc cho ra mắt bạn đọc tập sách này cũng có thể xem là một gợi ý. Một công việc cần thiết và hữu ích, mong được bạn đọc xa gần góp cho những ý kiến quý báu.
NHÓM TUYỂN CHỌN VÀ BIÊN TẬP
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Mấy vấn đề phiên dịch sách Hán Nôm (Vũ Khiêu)
Những vấn đề mới đặt ra trong việc dịch từ Hán sang Việt (Trần Nghĩa )
Phần thứ nhất
MẤY VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ DỊCH TỪ HÁN SANG VIỆT
1- Về tầm quan trọng của công tác dịch thuật ở nước ta và sự cần thiết của việc dịch từ Hán sang Việt ( Huỳnh Lý )
2- Vài điểm lý luận rút ra từ quá trình dịch thuật thơ văn chữ Hán của người Việt ra tiếng Việt ( Bùi Văn Nguyên )
3- Mấy vấn đề về lịch sử và lý thuyết dịch từ Hán sang Việt ( Mai Quốc Liên
4- Không thể thiếu một “ngọn roi phê bình” ( Hoàng Lê )
5- Mấy ý kiến về phiên dịch cổ Hán Việt ( Phạm Văn Các )
6- Suy nghĩ nhỏ về tiêu chuẩn lớn ( Mai Xuân Hải )
7- Bước đầu suy nghĩ về việc dịch tác phẩm văn học chữ Hán Việt Nam (Cao Tự Thanh )
8- Một số nhận xét bước đầu về tinh hình dịch sách chữ Hán ở miền Nam trước ngày giải phóng ( Vũ Thanh Hằng )
9- Vận dụng một số kiến thức ngôn ngữ học vào việc dịch các tài liệu Hán Nôm ( Nguyễn Quang )
Phần thứ hai
NHỮNG KINH NGHIỆM , KỸ THUẬT VÀ NGHỆ THUẬT DỊCH TỪ HÁN SANG VIỆT
1- Thử tìm hiểu về kinh nghiệm truyền thống trong việc dịch thơ chữ Hán ra thơ tiếng Việt qua các dịch phẩm mẫu mực của người xưa ( Trương Đình Nguyên )
2- Nguyễn Khuyến dịch thơ ( Nguyễn Văn Huyền)
3- Nguyễn Du với việc dịch thơ (Cao Hữu Lạng )
4- Vai trò của thơ dịch ( Băng Thanh )
5- Qua bản diễn Nôm cũ , xem lại bản dịch mới ( Nguyễn Tá Nhi )
6- Ý kiến nhỏ trong việc dịch thơ ( Đỗ Văn Hỷ )
7- Vài suy nghĩ về việc dịch thơ của Hồ Chủ Tịch ( Tạ Ngọc Liễn )
8- Vài suy nghĩ về viêc dịch thơ đối với các từ song tiết, trong tác phẩm “Nhật ký trong tù” ( Cao Văn Lược )
9- Thử tìm hiểu nguyên nhân ảnh hưởng tới hiệu quả diễn đạt khi dịch nghĩa các bài thơ Hán cổ ( Hoàng Văn Lâu )
10- Thất bại cùa một cuốn sách do không khảo dị ( Ngô Thế Lang )
11- Vấn đề cảu chú thích thơ dịch ( Nguyễn Thị Phượng)
12- Tình hình và kiến nghị về dịch các tư liệu chữ Hán ra Việt văn thuộc lĩnh vực tư tưởng lịch sử (Nguyễn Tài Thư )
13- Mấy suy nghĩ khi dịch một tác phẩm văn biền ngẫu của Ngô Thì Nhậm ( Đổ Thị Hảo )
14- Về việc dịch, phiên âm và chú thích địa danh cổ, trung đại Việt Nam ( Bùi Thiết )