ĐẠO VẬT LÝ ( THE TAO OF PHYSICS )
PHAN HỒNG NHẬT Chuyển ngữ
Tôn Th. Duy ấn tống
LỜI GIỚI THIỆU
Có thể nói, bản dịch cuốn “The Tao of Physics” của Fritjof Capra ra tiếng Việt của dịch giả Phan Hồng Nhật là một đóng góp quan trọng cho sự hiểu biết của người Việt về hai phương diện: khoa học tân tiến và tôn giáo huyền nhiệm.
Thật vậy, cuốn “The Tao of Physics” rất nổi tiếng, từ cuối thập niên 70 tới nay, đã được phổ biến sâu rộng, và cả hai giới khoa học cũng như bình dân đều tán thưởng cuốn sách này. Phản ứng trên thật ra cũng dễ hiểu, vì đây là lầm đầu tiên một Vật lý gia đã dùng thể ngôn từ bình dân dễ hiểu đưa ra và so sánh những tương đồng giữa những quan niệm mới của môn vật lý những hạt nhỏ ( particle physics ) và triết lý Đông phương như đạo Bà-la-môn, đạo Lão, và đặc biệt nhất là đạo Phật, để phục vụ đa số quần chúng thông thường. Đa số khoa học gia, vốn xa lạ với các triết lý tôn giáo Đông phương; và đa số quần chúng thông thường vốn có mặc cảm trước những tiến bộ của khoa học, đã đón nhận cuốn sách của Capra với nhiều thiện cảm vì Capra đã đưa ra một cái gì mới lạ ( triết lý tôn giáo Đông phương )lồng trong một cái khung khoa học cho người Âu Mỹ đang muốn biết về những đạo học huyền nhiệm Đông phương, và cùng lúc giới thiệu những tiến bộ khao học có vẻ như tương đồng với những triết lý tôn giáo Đông phương.
Nếu chúng ta quen thuộc với kinh điển Phật giáo thì chúng ta sẽ thấy rằng những quan niệm của Bohm và Capra chẳng qua chỉ một phần của quan niệm “dung thông vô ngại” trong kinh Hoa Nghiêm và đã chậm mất hơn 25 thế kỷ. Bohm và Capra đã thấy được tính tương thông của mọi vật trong thế giới các hạt nhỏ trong khi kinh Hoa Nghiêm đã hiển lộ tính dung thông của sự vật ( thuật ngữ Phật giáo gọi là Vạn pháp ): dung thông giữa các nguyên lý ( Lý do vô ngại pháp giới ): giữa các vật ( Sự vô ngại pháp giới ), giữa các nguyên lý và vật ( Lý sự vô ngại pháp giới), và giữa các vật ( Sự sự vô ngại pháp giới ), trong thuyết về Tứ pháp giới của Đỗ Thuận.
Chúng ta đã thấy, những quan niệm mới, do sự phát triển của khoa học đã bắt buộc các khoa học gia phải quay về đường lối suy nghĩ của Đông phương, hay nói rõ hơn, dùng những quan niệm triết lý Đông phương , đặc biệt là triết lý Phật giáo, để giải thích những dữ kiện khoa học. Trong khi đó, một số người chưa hiểu rõ chân giá trị của Phật giáo, trước những hào quang tiến bộ của khoa học, lại theo con đường ngược lại. tìm cách dùng khoa học để giải thích Phật giáo với ý định làm tăng uy tín Phật giáo. Cho nên phải nói là chúng ta đã rất may mắn có được bản dịch cuốn “ The Tao of Physics”của Fritjof Capra ra tiếng Việt, do dịch giả Phan Hồng Nhật thực hiện.
Việc dịch thuật cuốn sách này là một nỗ lực đáng tán thưởng vì dịch giả đã phải dùng cùng lúc đối diện với hai loại danh từ chuyên môn thuộc hai lãnh vực khác nhau: một thuộc khoa học chính xác, và một thuộc kinh nghiệm tâm lonh huyền nhiệm trong đó văn tự chỉ là phương tiện, nghĩa là, “ nói vậy chứ không phải vậy”. Tôi tin rằng, cuốn sách này sẽ giúp độc giả Việt Nam :
Biết thêm về những tiến bộ của khoa học vật lý, đặc biệt là ngành vật lý các hạt nhỏ ở cấp năng lượng cao.
Hiêu thêm về những triết lý của Phật giáo
Nhận rõ vị thế của khoa học và của Phật giáo, do đó có thể cất bỏ mọi mặc cảm, nếu có , của Phật tử đối với khoa học.
Trước nỗ lực dịch thuật cuốn “The Tao of Physics” của dịch giả Phan Hồng Nhật, tôi cảm thấy thật là vinh dự khi được hân hạnh viết lời giới thiệu. Tôi còn có thể viết nhiều hơn nữa về bản dịch này, nhưng tôi không muốn làm giảm hứng thú của độc giả, vậy xin để quý độc giả tự mình đi vào thế giới giao thoa huyền nhiệm của khoa học và các tôn giáo Đông phương, đâc biệt là Phật giáo.
Trần Chung Ngọc
Ph.D Vật Lý HỌc
Đại Học Wiscounsin – Madison, USA
MỤC LỤC
Lời giới thiệu
Tựa
Chương :
I. Vật lý học hiện đại , con đường có một trái tim
II. Tri và kiến
III. Vượt ngoài ngôn ngữ
IV. Vật lý mới
V. Ấn Độ giáo
VI. Phật giáo
VII. Tư tưởng Trung Hoa
VIII. Lão giáo
IX. Thiền
X. Vạn vật đồng thể
XI. Vượt khỏi thế giới nghịch
XII. Không thời gian
XIII. Vũ trụ sinh động
XIV. Sắc và không
XV. Vũ điệu Càn khôn
XVI. Đối xứng của Quac , Một công án mới
XVII. Dạng thức biến dịch
XVIII Tương nhập
Lời bạt : Hành trình vào khoa học vật lý mới