ĐỂ HIỂU VĂN HÓA NHẬT BẢN
LÝ KIM HOA
NXB VĂN NGHỆ
LỜI NÓI ĐẦU
Văn hóa là một từ có nội dung bao trùm mọi lĩnh vực sinh hoạt của con người trong một địa bàn nhất định. Tức như văn hóa phi vật thể xưa quen gọi là văn minh tinh thần và văn hóa vật thể xưa quen gọi là văn minh vật chất. Nhưng trong ý thức thông thường, văn hóa (culture) vẫn được xem như nét đặc trưng về tinh thần, tư tưởng, tình cảm của một cộng đồng người có quá trình lịch sử sống trong một địa bàn nhất định. Đặc trưng ấy cho dù có sự giao lưu, hội nhập vẫn giữ một cái gì xuyên suốt bền vững không bị tha hóa, còn văn minh (Civilization) là những thành tựu của con người thể hiện trên vật thể.
Chẳng thể mà du khách đến Nhật Bản không mấy ai không muốn viếng thăm Kyoto. Có đến Kyoto, khu Gion, mới nghe tiếng guốc lách cách trên con đường đá của những cô giesha mặc kimono che dù lọng tay cầm lồng đèn đi trong đêm mưa.Không đến Kyoto không sao cảm được cái hồn của Haiku với sân sỏi đón ánh trăng, với tháp ngữ trùng trầm mặc trong ánh đỏ trời chiều. Không đến Kyoto làm so được thấy mỗi mùa đi qua trên màu áo thiếu nữ. trên căn gác gỗ ở khu Senbon demizu tôi đã từng gặp bóng hai bố con đổ dài trên đường đêm, người bố cầm cặp sênh gỗ gõ ba tiếng “cách, cách …cách” tiếp theo là tiếng rao lảnh lót của cô bé : “Ippon no matchi hi no moto. Ki wo tsukete kudasai!” (Một que diêm là nguyên nhân của hỏa hoạn. Xin hãy lưu ý). Lần đầu tiên nghe thấy tôi thật sự bồi hồi xúc động nhớ lại lúc còn nhỏ ở phố Cửa Đông thành Bình Định tôi đã bao nhiêu lần nghe thấy trong đêm tối tiếng người xách phèng la rao sau mỗi lản gõ phèng, phèng: “Đèn treo xa vách. Nước xách đầy vò. Chổi dụi gàu mo. Kêu đâu dậy đó. Thức dậy coi nhà!” rồi phèng phèng…phèng. Hai dân tộc sống xa nhau có một điểm chung là mối quan tâm đến cuộc sống cộng đồng. Đó là một trong những nét văn hóa truyền thống. Đó là mặt mũi nguyên xưa của một dân tộc. Dù trải qua nhiều ngàn năm, đặc tính có thể được thể hiện dưới hình thức khong giống nhau nhưng bản chất vẫn tồn tại trong tâm hồn.
Đọc “Để hiểu văn hóa Nhật Bản” có người sẽ nói trong đây nhiều điều kiện nay không còn nữa, và ngay cả không ít thanh niên Nhật cũng không ngờ tới. Đúng như vậy, sinh tồn thì biến dịch, biến dịch để sinh tồn. Văn hóa cũng không thoát ra ngoài định luật ấy. Chính vì lý do đó, sách này đã sưu tập , trân trọng giữ gìn chỉ sợ quên đi hay mất mát không tìm lại được, và xem đây như là một tài liệu lưu trữ về văn hóa Nhật Bản. từ tập sách này người biên soạn cũng ước mong có một tư liệu tương tự như vậy hoặc phong phú hơn sâu sắc hơn về văn hóa Việt Nam để góp phần xây dựng tư liệu Việt Nam học, một ngành học đang được người trong nước quan tâm và người nước noài mong muốn tìm hiểu.
Tại rừng Tầm vong Củ Chi tháng 4 năm 2006
Lý Kim Hoa Ph.D
Tiến sĩ Giáo dục học Đại học Kyoto, Nhật Bản
MỤC LỤC
Lời nói đầu
PHẦN MỘT: TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO
I. THẦN ĐẠO
II. PHẬT GIÁO
III. TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN
PHÀN HAI: ĐẶC TÍNH TÔN GIÁO
PHẦN BA: PHONG TỤC TẬP QUÁN
PHỤ LỤC: TỪ NGỮ VĂN HÓA TRONG SÁCH NÀY