ÁO NGHĨA THƯ
UPANISHADS
Shri Aurobindo bình giải
Thạch Trung Giả dịch
An Tiêm
PHÁT ĐOAN TỪ
Uống nước uống tận nguồn.
Một công trình jkhảo cứu dù tinh vi đến đâu cũng không thể nào thaythế được kinh văn cội gốc; Giỏi lắm chỉ là một bộ xương khô so với con người sống thật có linh hồn long lanh trong ánh mắt và tỏa ra trong hơi thở. Ấy là chưa kể những công trình phản bội chiếm đến chín mươi phần trăm số sách khảo cứu. Xin kể một thí dụ.
Trước khi đọc thẳng vào những mảnh tản văn của Parménide, triết gia vĩ đại phái Elée, tôi đã tìm hiểu qua những bộ triết sử và nghiên cứu của những học giả Tây Phương đã thừa hưởng công trình vài chục thế kỹ. Đến khi đọc thẳng vào những mảnh tản văn, tôi đi từ sửng sốt này đến sửng sốt khác vì mọi sách khảo cứu mà tôi được biết đều phản bội, lật ngược lại chủ ý sâu xa của Parménide, của phái Elée, một triết gia không để lại nhiều sách vở nhưng được coi là một trong mấy cơ sở lớn của tư duy Hy Lạp, của thế giới Tây-phương. Thời gian tôi dùng để đọc dăm trang khảo cứu là một vài giờ còn đọc thẳng vào vài trang bản văn là mười lăm đêm, mỗi đêm 4 tiếng đồn hồ tức là 60 giờ. Đó là một chuỗi hàm số liên tiếp mà người đọc phải tự giải, nhưng giải xong thì thấy cả núi sách khảo cứu dầu đúng cũng không đưa vào chiều sâu, vào cái thần, ấy thế mà lại giải sai.
Nếu Parménide với triết phái Elée, được người Tây-phương khảo sát nhiều thế kỷ vì tự coi là thừa kế triết học Hy Lạp, mà còn bị phản bội như thế thì những triết thư Ấn Độ như Upanishads được khảo sát ra sao, ta có thể duy đoán được.
Người Việt ta vài ngàn năm quen với một dòng của triết đạo Ấn Độ là Phật giáo, nhưngvề những dòng khác thì mới bắt đầu từ vài chục năm nay. Cho đến bây giờ những bộ căn bản nhất như Upanishads cũng chỉ được trích dẫn vài câu đã thành sáo ngữ trong vài cuốn khảo cứu. Đã đến lúc uống nước uống tận nguồn. Bởi thế cho nên chúng tôi lựa chọn ba bộ tiêu biểu được đạo sư có uy tín người Ấn Độ là Shri Aurobindo vừa thừa hưởng được truyền thống, vừa có căn bản triết học Tây-phương để bình giải, trình bày cho chúng ta thời bấy giờ hiểu nổi.
Ấn Độ có ba dòng lớn về triết đạo là: Bà la môn giáo, Kỳ-na giáo, Phật giáo. Trong lòng Bà-la môn lại có sáu phái mà quan trọng nhất là hai phái Số luận tức là Sâmkhya, Vệ-Đàn-Đà tức Védânta nghĩa là Viên thành Vệ Đà.
Gạt ra ngoài vấn đề so sánh giá trị nội tại của hai phái này, mà chỉ nói quan niệm của đa số người Ấn cũng như học giả thế giới thì Vệ Đàn Đà được coi như tiêu biểu cho tư tưởng Ấn- Độ, là cái phần tinh túy nhất mà văn hóa Ấn-Độ cung hiến cho nhân loại. Đó là tư tưởng nhất nguyên coi vũ trụ, nhân loại, Thượng Đế chỉ là một, chỉ có một Đại Ngã, Đại Hồn. Bởi thế cho nên Upanishads nhắc đến Thượng Đế hay đấng Chủ Tể thì ta chớ nên lẫn với nhất thần giáo mà chỉ coi là một lối nói tạm để bị vượt ngay trong một bộ sách như phép giải toán lập số khử số để đi đến đáp số cuối cùng. Nó là nhất nguyên luận mà người Tây phương gọi là phiếm thần giáo, mà Phật giáo Đại thừa gọi là nhất như thuyết. Védanta với Đại thừa cùng một dòng tư tưởng, đó là điều hiển nhiên tuyệt đối.
Kinh điển nòng cốt của Védánta là những bộ Upanishads. Chúng tôi dịch là Áo Nghĩa Thư với danh từ thông dụng từ lâu của những nhà Phật học nhưng giá trị của nó không ở dưới những bộ được gọi là kinh như Tứ Thư so với Ngũ Kinh. Là vì bên Ấn Độ, những bộ được gọi là Sùtras, vẫn được dịch là kinh, chưa hẳn giá trị hơn những bộ không gọi là Sùtras. Bởi thế những bộ như Védas tôn quí bậc nhất mà không gọi là Sutras. Và người ta đã có lý khi dịch là Kinh Vệ Đà. Vậy Áo Nghĩa Thư hay Áo Nghĩa Kinh cũng vậy.
Những bộ này được xếp sau những bộ Vệ Đà nên được coi là Liễu Kết Vệ Đà hay Viên Thành Vệ Đà với hai nghĩa đen và bóng: nó được coi là rút tỉa tinh hoa của Vệ Đà, đào sâu mở rộng cái trực giác thần diệu nhất giữa nhiều trực giác ở Vệ Đà phong phú như cái mỏ. Đó là trực giác về nhất nguyên luận hay nhất như thuyết.
Những bộ Áo Nghĩa Thư thật nhiều, khởi từ trước hay ngang thời Phật Thích Ca đến cuối Trung Cổ, nhưng những bộ căn bản được coi là có mười hai, mà ba bộ sau đây ở trong số đó. Những tác giả thường vô danh, những vị được nhắc đến ở bộ này bộ nọ là những bậc truyền miệng được người ta ghi lại thêm bớt mà có vị chỉ là nhân vật huyền thoại.
Những bộ này thường được coi là thần kỳ bí hiểm, những bản dịch nhiều khi khác nhau đến mực đưa ra những nghĩa không liên quan gì với nhau. Nên chúng tôi lựa chọn những bọ do đạo sư người Ấn dịch ra Anh văn, hơn hẳn những bản dịch của những học giả Tây phương mà tôi có thể đối chiếu. bản dịch tù Anh ra Pháp về hai bộ Isha và Mundaka do ông Jean Herbert đã được đạo sư Aurobindo hiệu chính, căn bản dịch Kena so ông Jean Herbert cống tác với hai bạn là Camille Rao và René Daumal tuy không được đạo sư hiệu chính nhưng chắc chắn đáng tin cậy để tái dịch lại ra Việt vì ông Jean Herbert đã cả đời hiến mình cho việc dịch, khảo và truyền bá triết đạo Ấn độ, có tiếp xúc với nhiều bậc thầy Ấn hiện sống.
Chỉ xin có đôi lời về lối dịch của chúng tôi. Tiếng Tat, Phạn ngữ, được dịch sang Pháp là chữ Cela, Cái ấy, để ám chỉ Chân Thể mà người nghe được coi là đã ngầm hiểu. Người Việt ta đã quen từ lâu với tiếng Chân Như nên chúng tôi dịch là Chân Như. Đó là trong cuốn Isha nhưng sang cuốn Kena thì tôi phải dịch sát là Cái Ấy vì Chân Thể trong cuốn này được coi như là một nghi vấn, một ẩn số đối với chư thần, mãi đến cùng mới nhận ra.
Soham, tiếng Phạn, dịch ra Pháp ngữ là Je Suis Lui – chúng tôi dịch: Ta là Chân Như cũng vì lẽ trên.
Tal tvam asi: - Tu es Cela – chúng tôi dịch : Người là Chân Như cũng vì lẽ trên.
Tiếng Être thường được dịch là Hữu Thể mà theo Parménide, cổ triết gia Hy Lạp người đã xây dựng toàn bộ học thuyết trên ý niệm này, thì thuộc tính lớn nhất của Hữu Thể là hằng hữu, bất sinh bất diệt, vậy chúng tôi dịch là Hằng Hữu để phân biệt với être thường không viết hoa dịch là hữu thể.
Tiếng Existence có hai nghĩa chính là thực hữu hay hiện hữu và sinh tồn, chúng tôi dịch thành hữu tồn, tuy cũng có khi là sinh diệt, khi là sinh hóa, khi là sáng hóa, vừa theo tinh thần triết học Ấn-Độ vừa uốn theo sắc thái, nhịp độ tư tưởng rất biến hóa linh động của Aurobindo.
Tiếng Dissolution thường được dịch là hòa tan hay tiêu diệt chúng tôi dịch là tiêu nhập theo tinh thần ở đây.
Tiếng Jeucó nhiều nghĩa, mà kể ba là trò chơi, sự vận dụng, sự xếp đặt xảo diệu, chúng tôi dịch là trò diệu hóa hay diệu hóa lực theo hệ thống tư tưởng của Aurobindo vẫn gọi bằng tiếng Phạn là Lilâ hay Mâyâ tức Huyễn hóa.
Egoisme thường được dịch là vị kỷ, vị ngã, nhưng tư tưởng Ấn độ còn suốt nguồn gốc vị ngã là chấp ngã vậy chúng tôi dịch là ngã chấp. Mental theo nghĩa của Tây triết là tâm trí và Mentalité là tâm tính, nhưng ở đây theo Ấn triết phải dịch là phàm thức và thức tính đối với siêu thức tuy đổi chỗ có thể dịch đại khái là tâm thức hay thức và tâm tính.
Đó chỉ là một vài trong nhiều thí dụ về lối dịch của chúng tôi không thể hoan toàn y theo những tự điển hiện hành, nhưng có lẽ độc giả cũng thừa thông cảm.
Ngoài ra cũng nên nhắc đến một danh từ thường dùng đến là Phạm Thể dịch ở tiếng Phạn Brahman. Theo quan niệm Ấn Độ thì Brahma là thần linh tối cao đã sinh ra vũ trụ, mà Brahman là bản thể của Brahmâ cũng như chư thần cũng như chúng ta cũng như vũ trụ theo lẽ nhất nguyên, vậy nếu Brahmâ đã được dịch từ mấy ngàn xưa là Phạm Thiên thì bây giờ chúng tôi dịch Brahman là Phạm Thể.
Về cú pháp, nhiều chỗ mông lung, hàm súc vì huyền diệu mà ông Jean Herbert cùng các bạn phải vượt khuôn khổ của Pháp ngữ, vốn nổi tiếng là minh bạch khúc chiết, để phản ảnh với những câu như buông lơi, lỏng lẻo nên phải đọc kỹ bình giải mới quyết nghĩa được. Xem kinh văn, nếu thấy những chỗ bí hiểm thì độc giả không nên khổ công tìm hiểu mà cứ tạm để đó, tiến đến phần bình giải sẽ vỡ ra.
Đọc thẳng một bộ như thế này, quí vị sẽ thâm nhập hơn là loanh quoanh mãi ở vành ngoài với những bộ khảo cứu có công dụng giúp ta bước đầu với những ý niệm đại khái như bộ xương khô so với người sống thực
THẠCH TRUNG GIẢ
MỤC LỤC
Phát đoan từ
Isha Upanishad
Thiên Đế Áo Nghĩa Thư
Kinh văn
Chú thích
Phân tích
Kết luận và toát yếu
Kena Upanishad
Nghi vấn Áo Nghĩa Thư
Kinh – văn
Bình giải
Mundaka Upanishad
Kinh văn