MINH TÂM BẢO GIÁM
Dịch chú: Tạ Thanh Bạch
Nhà xuất bản Thanh Hóa
MINH TÂM BẢO GIÁM
Bốn chữ trên đây có nghĩa là tấm gương báu để soi sáng lòng người.
Quyển sách này được mang tên ấy tức là một quyển nội dung gồm toàn những tấm gương báu để soi sáng lòng người vậy.
Những tấm gương ấy là gì?
Tức là những lời nói trong kinh điển, sách vở của các thánh hiền xưa góp lại không phân biệt là Nho giáo, Lão giáo, hay Phật giáo.
Những lời nói ấy là những lời vàng ngọc châu báu dạy về cách làm người và đối nhân xử thế.
Sách tuy không nói rõ ai là soạn giả và ra đời từ hồi nào. Nhưng xét thấy những lời chép trong đây từ đời Thượng cổ đến cuối đời nhà Nam Tống, cũng có thể đoán được là quyển này làm ra từ cuối đời nhà Nam Tống mà soạn giả là tất cả những thánh hiền, các danh nhân có tên ở trong này.
Sách chia ra làm hai mươi thiên từ Kế thiện, Thiên lý, Thuận mệnh, Hiếu hạnh, Chính kỷ, An phận, Tồn tâm, Giới tính, Khuyến học, Huấn tử đến Tĩnh tâm, Lập giáo, Trị chính, Trị giao, An nghĩa, Tuân lễ, Tồn tín, Ngôn ngữ, Giao hữu, Phụ hạnh, nói chung là một soạn phẩm chuyên nói về luân lý. Nhưng sở dĩ gọi là minh tâm vì cách dạy người của các thánh hiền xưa trên phương diện luân lý lấy “chính tâm” làm đầu, làm quan trọng hơn hết. Tâm có chính thì mọi việc ở đời mới có thể làm nên tốt đẹp. Quan niệm ấy nếu đem so sánh quan niệm “có tư tuởng rồi mới có sự nghiệp” của các nhà cách mệnh, các bậc vĩ nhân sau này thì cũng không thấy xa cách là bao nhiêu.
Hơn nữa qua quyển MINH TÂM BẢO GIÁM này, chúng ta lại biết được cách dạy về luân lý của người xưa thế nào và chú trọng đến cái tâm của con người ra sao.
Chí lý thay! Con người ta ở đời nếu đối với cái tâm mà ai cũng chính được thì thế giới này đâu còn những cảnh gươm đao bom súng, những nhà tù trại giam, mà bốn bể năm châu đều là huynh đệ hết.
Nhưng khốn nổi lòng người lại không được như thế, kẻ thì bị giàu sang quyến rũ, người thì bị sắc tài lôi kéo. Càng ngày cái tâm càng mất, con người ta lại sa vào tội lỗi càng nhiều.
Do đó, đối với quyển MINH TÂM BẢO GIÁM này, chúng tôi nhận thấy là một quyển luân lý đã mấy trăm năm qua giáo dục cho người Trung Hoa cũng như người Việt Nam, ngày nay đối với sự học, chúng ta không thể không biết đến.
Vì thế tôi xin mạo muội đem quyển MINH TÂM BẢO GIÁM này dịch ra, để hiến quý bạn, và mong rằng tất cả chúng ta, mỗi người đều tự mình chỉnh lại tâm mình vậy.
Tạ Thanh Bạch